Ra mắt Liên minh hỗ trợ công nghiệp Việt Nam ngày 31/7 qua hình thức trực tuyến với các thành viên chủ chốt là Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam và các trung tâm CNHT.
Nhằm hưởng ứng chủ trương Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII về định hướng đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp vào năm 2045; Nghị quyết 115NQ-CP ngày 06/08/2020 của Chính phủ về Giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, mới đây một số tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước đã liên kết thành lập Liên minh hỗ trợ Công nghiệp Việt Nam (LM VISA).
LM VISA là tập hợp những tổ chức và cá nhân có cùng định hướng về xây dựng liên minh nhằm đưa ra giải pháp giúp kết nối truyền thống và kết nối số giữa các công ty công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam với các công ty đầu chuỗi, giữa chuỗi tăng cường nội địa hoá và thay đổi chuỗi cung ứng mua hàng ngay tại Việt Nam, giúp cắt giảm chi phí logistics, thời gian giao hàng, và rủi ro từ thanh khoản nguyên phụ liệu nhập khẩu; Góp phần hình thành hệ sinh thái công nghiệp Việt Nam nhằm hỗ trợ các thành viên cùng nhau phát triển.
Bên cạnh đó Liên minh muốn tạo cơ hội cho các thành viên trong hệ sinh thái công nghiệp cùng kiến tạo “Chương trình hành động vì cộng đồng – tạo tác động xã hội”. Tạo tác động xã hội bằng cách có thể bằng đóng góp tài chính, đóng góp thông tin, đóng góp sáng kiến kết nối hiệu quả.
Theo số liệu Tổng cục thống kê năm 2019, đã đánh giá Việt Nam thuộc top 3 nước Asean có vốn đầu tư FDI lớn giai đoạn 2011-2019. Trung bình mỗi năm tăng trưởng vốn khoảng 3.5%. Do đó nhu cầu về nguồn cung cấp sản phẩm công nghiệp hỗ trợ rất lớn.
Tuy nhiên, thực tế trong cơ cấu giá trị gia tăng các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam, giá trị gia tăng từ nước ngoài vẫn chiếm tỷ lệ lớn, đặc biệt là từ Trung Quốc và Hàn Quốc, trong khi tỷ lệ giá trị gia tăng nội địa vẫn còn thấp và chưa có nhiều chuyển dịch đáng kể. Đây cũng chính là lý do LM VISA được thành lập.
Trong khuôn khổ lễ ra mắt trực tuyến (26/7/2021), nhiều thành viên đã nhận định, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm cũng như thông báo về một số hoạt động hợp tác nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam. Đơn cử như kế hoạch tổ chức Triển lãm Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam 2021 vào tháng 09 tới; kế hoạch xúc tiến kết nối cho một công ty đầu chuỗi tại Khu công nghệ cao Láng Hoà Lạc với các công ty công nghiệp hỗ trợ cả nước…
Nhân dịp này, đại diện phía thành viên sáng lập, ông Nguyễn Duy Minh- Tổng giám đốc Công ty CP giao nhận tiếp vận Quốc tế đã công bố mức tài trợ ban đầu cho hoạt động của LM VISA là 500 triệu đồng.
Tại buổi lễ ra mắt cũng đã có 4 thoả thuận hợp tác về lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ được ký kết đồng thời kết nạp thêm 8 thành viên cá nhân và tổ chức vào liên minh.
Có thể nói, sự ra đời của LM VISA như một luồng gió mới góp phần cùng với các Hiệp Hội nghề nghiệp và các Dự án hỗ trợ công nghiệp Việt Nam với cộng đồng công nghiệp Việt Nam như một cánh bướm lan tỏa ảnh hưởng tích cực đến nền công nghiệp Việt Nam. LM VISA quyết tâm góp phần nhỏ bé phát triển công nghiệp Việt Nam và vì một Việt Nam hùng cường 2045.
Nguồn: vietnamnet.vn